ILO100

100 năm đấu tranh cho Công bằng xã hội

Để chào đón sự khởi đầu của năm kỷ niệm một thế kỷ của ILO, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại lịch sử và tầm ảnh hưởng của ILO – và xem ILO đang chuẩn bị thế nào cho thế kỷ thứ hai.

Thông cáo báo chí | Ngày 02 tháng 1 năm 2019
GENEVA – Hãy thử tưởng tượng một thế giới không có ngày nghỉ cuối tuần, không có tám giờ làm việc một ngày, không có tuổi làm việc tối thiểu và không có sự bảo vệ đối với người lao động mang thai hay dễ bị tổn thương?

Đó có thể là nơi làm việc của bạn nếu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) không tồn tại.

Được thành lập năm 1919 sau Thế chiến thứ I, ILO đánh dấu 100 năm hoạt động vì công bằng xã hội.

Đừng quên rằng ý tưởng hình thành nên sứ mệnh của ILO từng cấp tiến như thế nào. Ý tưởng đó đã được tóm tắt trong Lời nói đầu của Hiến chương của tổ chức như sau: “nền hòa bình phổ quát và lâu dài chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở công bằng xã hội.”

Cấu trúc của ILO cũng mang tính cách mạng như vậy. Đây là tổ chức tập hợp các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động lại để cùng nhau thiết lập các tiêu chuẩn lao động. Sau này Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã mô tả việc này là “một giấc mơ hoang đường”.

Tại thời điểm ILO được thành lập, người ta bắt đầu hiểu hơn về sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau của toàn thế giới và sự cần thiết phải hợp tác để đảm bảo sự cạnh tranh quốc tế ngày càng căng thẳng không ảnh hưởng xấu tới điều kiện làm việc. Hiến chương nói rằng “…thất bại của bất cứ quốc gia nào trong việc áp dụng điều kiện lao động nhân văn là một trở ngại trên con đường của các quốc gia khác mong muốn cải thiện điều kiện tại quốc gia họ.”

Những cảm nghĩ này sau đó đã được lưu giữ, theo nghĩa đen, trong nền móng của ILO. Vào năm 1926, khi ILO chuyển sang tòa nhà văn phòng đầu tiên được xây dựng trên bờ Hồ Geneva, tảng đá nền móng của tòa nhà đã được khắc cụm từ tiếng Latin Si vis pacem, cole justiciam (Nếu bạn khát vọng hòa bình, hãy gieo trồng công lý). Các cổng chính của tòa nhà cũng thể hiện tính đặc thù của ILO. Cần phải mở cửa bằng ba chìa khóa, tượng trưng cho sự đóng góp tương đồng của ba nhóm đối tác cấu thành.

Nhưng ngay cả trước khi chuyển sang tòa nhà văn phòng của riêng mình, ILO cũng đã kịp tạo một dấu ấn trong cuộc đời làm việc của hàng triệu người.

Năm 1919, Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) đầu tiên – cuộc họp giữa các các đại diện của chính phủ, người lao động, và người sử dụng lao động – được tổ chức tại Washington DC, đã thông qua sáu Công ước Lao động Quốc tế liên quan đến những vấn đề lao động quan trọng gồm có thời giờ làm việc trong ngành công nghiệp, thất nghiệp, bảo vệ thai sản, làm việc ca đêm đối với phụ nữ, tuổi làm việc tối thiểu và làm việc ca đêm đối với thanh niên.

Khi xung đột bùng nổ ở Châu Âu vào cuối thập niên 1930, ILO tạm thời chuyển sang Canada và trở thành một trong số ít các tổ chức quốc tế không bị gián đoạn hoạt động trong suốt Thế chiến thứ II.

Tháng 5/1944, khi chiến tranh sắp đi đến hồi kết, ILO đã thông qua Tuyên bố Philadelphia. Tuyên bố này đã tái khẳng định tầm nhìn của ILO và xác định một bộ nguyên tắc đặt quyền con người làm trung tâm nhằm đáp ứng “khát vọng trào dâng bởi hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn”.

Tuyên bố chú trọng đến quyền con người là để đạt được nhiều kết quả hơn, cùng với một loạt các tiêu chuẩn lao động quốc tế - các Công ước mang tính ràng buộc về pháp lý và các Khuyến nghị mang tính tham vấn – về thanh tra lao động, tự do hiệp hội, quyền được tổ chức và thương lượng tập thể, trả lương bình đẳng, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử.

Cuộc chiến kết thúc đã mở đường cho một giai đoạn mới của các hoạt động của ILO. Năm 1945, ILO đã trở thành cơ quan chuyên môn đầu tiên của tổ chức Liên Hợp Quốc mới được thành lập.

Một thay đổi thời hậu chiến tranh khác đối với ILO là việc mở rộng thành viên. Các nước công nghiệp hóa trở thành thiểu số, các nền kinh tế đang phát triển trở nên có nhiều ảnh hưởng hơn, do đó cơ cấu ba bên, đặc tính thiết yếu của ILO, đã được kết hợp với một đặc tính thứ hai, đó là tính phổ quát.

Năm 1969, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, ILO đã được trao giải Nobel Hòa bình. Những cột mốc quan trọng khác gồm có Tuyên bố được ILC thông qua ngay lập tức vào năm 1964, lên án chủ nghĩa Apartheid, đưa ILO trở thành một trong những tổ chức đầu tiên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nam Phi.

Khi thế kỷ 20 sắp kết thúc, vai trò của ILO vẫn tiếp tục được cải tiến để đáp ứng những thay đổi trong thế giới việc làm, đặc biệt là sự tiến bộ của toàn cầu hóa. Những đề nghị giúp đỡ gửi đến ILO đã mở rộng phạm vi bao gồm nhiều vấn đề khác nhau trong đó có quyền của người bản địa, HIV/AIDS tại nơi làm việc, lao động di cư và giúp việc gia đình.

ILO đã đấu tranh cho khái niệm Việc làm Bền vững như là một mục tiêu phát triển quốc tế chiến lược bên cạnh việc thúc đẩy một quá trình toàn cầu hóa công bằng. Khi Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) chính thức được cộng đồng quốc tế thông qua, việc làm bền vững là một cấu phần quan trọng, đặc biệt là đối với Mục tiêu số 8 nhằm “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, việc làm đầy đủ và hiệu quả và việc làm tử tế cho tất cả mọi người”.

Tháng 1/2019, báo cáo của Ủy ban toàn cầu về Tương lai Việc làm sẽ được công bố. Sự kiện này sẽ đánh dấu bước khởi đầu của một năm của các sự kiện toàn cầu kỷ niệm những thành tựu của ILO trong một thế kỷ năm đầu tiên và để hướng tới tương lai.

Rõ ràng là cơ quan 100 năm tuổi đầu tiên của Liên Hợp Quốc sẽ không có thời gian để ngủ quên trên vòng nguyệt quế của mình.