Ngày quốc tế người lao động di cư

Quyền lao động và phát triển kỹ năng - chìa khóa cải thiện kết quả di cư ở Đông Nam Á, nhận định của ILO và IOM

Trong bối cảnh di cư ngày càng tăng giữa các nước ASEAN, báo cáo chung ILO/IOM đánh giá những thay đổi trong cuộc sống trước và sau khi di của của người lao động.

Thông cáo báo chí | Ngày 15 tháng 12 năm 2017
BANGKOK (Tin ILO) – Di cư lao động có thể cải thiện cuộc sống của lao động di cư nếu quyền lao động của họ được bảo vệ và họ được tạo cơ hội phát triển kỹ năng, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhận định trong một nghiên cứu mới.

Công bố vào Ngày Di cư quốc tế 18-12, Báo cáo nghiên cứu “Rủi ro và hưởng lợi: Kết quả lao động di cư ở Đông Nam Á” đưa ra những đánh giá kịp thời quá trình di cư của người lao động ở ASEAN.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất của Liên hợp quốc, số người di cư sang các quốc gia khác ở khu vực ASEAN tăng hơn 5 lần từ 1990, đạt 6,9 triệu người. Ngoài ra, còn có thêm hàng triệu người được tuyển dụng mà không có địa vị pháp lý và không được đề cập đến trong các số liệu chính thức.

“Mặc dù tăng trưởng nhanh về con số phụ nữ và nam giới di cư trong khu vực Đông Nam Á, kết quả của lao động di cư không được hiểu đầy đủ,” Ben Harkins, cán bộ kỹ thuật ILO và là trưởng nhóm tác giả của báo cáo này nói.

Nhằm có thêm thông tin cho các can thiệp của mình, Chương trình TRIANGLE in ASEAN của ILO và PROMISE của IOM đã phối hợp thực hiện một khảo sát khu vực quy mô lớn với hơn 1.800 lao động Cămpuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Myanmar và Việt Nam đã từng làm việc tại Thái Lan và Malaysia.

Nghiên cứu xây dựng Chỉ số so sánh kết quả di cư (MOI) để đo những thay đổi trong cuộc sống của lao động di cư trước và sau khi di cư. Chỉ số so sánh mở rộng cách đo kết quả di cư bằng cách lồng ghép cả hai yếu tố xã hội và kinh tế.

Theo Harkins, “Chỉ số so sánh MOI thể hiện một sự chuyển hướng không chỉ ra khỏi sự bó hẹp trong việc chỉ tính toán lượng kiều hối gửi về mà còn khỏi vấn đề buôn bán người vốn dĩ đang rất phổ biến ở Đông Nam Á. Nó đưa ra cách đánh giá kỹ lưỡng về những trải nghiệm di cư chứ không chỉ là “bị buôn bán hay không bị buôn bán””

Đảm bảo trải nghiệm di cư an toàn và lợi ích

Để hiểu sâu hơn các yếu tố tạo nên kết quả di cư, nghiên cứu truy nguyên người di cư trong suốt hành trình của họ. “Chúng tôi bắt đầu đánh giá một số niềm tin thường có về những thực hành và những điều kiện đóng góp vào kết quả tốt hơn cho lao động di cư,” Harkins nói.

“Người ta nhấn mạnh nhiều đến việc thay đổi hành vi của người di cư để phòng ngừa bóc lột và lạm dụng, đặc biệt là khuyến khích họ di cư thông qua các kênh chính thức,” Harkins nói. “Cách suy nghĩ cho rằng người di cư đang đưa ra những quyết định rủi ro và điều đó làm hại họ.”

Sử dụng các kênh di cư chính thức và không chính thức

Nhưng số liệu cho thấy ngược lại, “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng vấn đề không phải là người lao động di cư đang có lựa chọn sai mà họ rất dễ bị lạm dụng dù quyết định của họ thế nào. Có nhiều nhóm lao động di cư phải chịu sự khác biệt lớn trong việc áp dụng các quy định luật pháp. Những rủi ro thậm chí còn nhiều hơn đối với người di cư là phụ nữ bởi vì công việc của họ thường bị đánh giá thấp và được bảo vệ lao động ít hơn.”

“Điều quan trọng nhất để cải thiện kết quả là đảm bảo rằng tất cả người di cư đều được hưởng các quyền lao động cơ bản như lương tối thiểu, kể cả phụ nữ và nam giới làm việc trong nền kinh tế phi chính thức. Điều này đòi hỏi thay đổi chính sách và thực hành của các chính phủ, người sử dụng lao động và các cơ quan tuyển dụng hơn là thay đổi hành vi của lao động di cư,” Harkins giải thích.

Lạm dụng quyền lao động và tiếp cận công lý của lao động di cư


Nghiên cứu cũng xác định nhu cầu tiếp cận các cơ hội phát triển kỹ năng cho lao động di cư. Những người di cư có trình độ kỹ năng tăng lên sau khi di cư so với trước khi di cư có kết quả dài hạn tốt hơn nhiều.

“Phát triển và công nhận kỹ năng trong quan hệ hợp tác với người sử dụng lao động có thể giúp người lao động di cư chuyển sang những công việc có mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn, làm tăng thêm đóng góp kinh tế của mình,” Anna Platonova, Quản lý cao cấp chương trình IOM ở Thái Lan nói.

Thông qua cải thiện sinh kế, lao động di cư có thể có tác động lâu dài đến việc giảm nghèo ở ASEAN. “Chúng tôi thấy số người di cư sống dưới ngưỡng nghèo giảm 11% sau khi trở về,” Platonova cho biết. “Điều này cho thấy di cư có thể có tác dụng giảm nghèo trong khu vực.”

Di cư như là nấc thang thoát nghèo

Chuyển trọng tâm chính sách di cư ở ASEAN

Mặc dù lợi ích của lao động di cư chưa được tối đa hóa ở Đông Nam Á, kết quả của nghiên cứu cho thấy có thể đạt được những tác động tích cực nếu người lao động di cư được đối xử công bằng và được tạo cơ hội phát triển năng lực.

Báo cáo cũng kêu gọi chuyển trọng tâm quản trị lao động di cư ở ASEAN vào cách tiếp cận lấy người lao động di cư làm trung tâm. “Chúng ta cần hướng mục tiêu là tăng số người lao động được hưởng lợi một cách toàn diện từ quá trình di cư lao động thay vì chỉ đơn giản là tăng số tiền gửi về nước,” Harkins kết luận.

Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Ben Harkins
Cán bộ kỹ thuật Chương trình TRIANGLE in ASEAN, Văn phòng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ILO
harkins@ilo.org
Tel: +66-2-288-2057

Anna Platonova
Quản lý cao cấp chương trình
Phái đoàn IOM tại Thái Lan
aplatonova@iom.int
Tel: +66-2-343-9335