ILO phát động giải thưởng báo chí toàn cầu 2017 về chủ đề lao động di cư

Giải thưởng nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí có chất lượng về vấn đề lao động di cư.

Thông tin báo chí | Ngày 02 tháng 8 năm 2017
GENEVA - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phát động giải báo chí toàn cầu nhằm vinh danh những tác phẩm tiêu biểu về lao động di cư.

Mục tiêu của giải thưởng lần này là khuyến khích các tác phẩm báo chí có chất lượng về vấn đề lao động di cư. Những tác phẩm như vậy đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi mà truyền thông thường cổ súy cho những luồng quan niệm độc hại xoay quanh quốc tịch, nguồn gốc, giới tính và những hiểu biết sai lầm về tình trạng nhập cư, hằn sâu thành kiến và kỳ thị đối với người lao động di cư và gia đình họ.

Tuy không bỏ qua những mặt trái (ví dụ như thực tế về sự bóc lột và vi phạm nhân quyền và quyền của người lao động), các ứng viên cũng được khuyến khích gửi tác phẩm nhấn mạnh những đóng góp tích cực của người lao động di cư tại nước gửi lao động, quá cảnh và nước đến, cũng như trên các phương diện quan trọng như tuyển dụng bình đẳng.

Giải thưởng báo chí toàn cầu 2017 về lao động di cư là một phần của chiến dịch TOGETHER của Liên Hợp Quốc (https://together.un.org) với mục đích xây dựng hành động toàn cầu trong thúc đẩy xóa bỏ phân biệt đối xử và giải quyết xu hướng bài ngoại đang ngày càng gia tăng đối với người tị nạn và di cư. Tất cả 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đều đã cam kết thực hiện chiến dịch TOGETHER đến hết 2018, thời điểm mà UNGA sẽ dự kiến thông qua Hợp tác toàn cầu về di cư và Hiệp ước toàn cầu cho người tị nạn.

Giải thưởng báo chí toàn cầu 2017 về chủ đề lao động di cư được tổ chức bởi Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp cùng Liên đoàn Công đoàn Quốc tế, Tổ chức Quốc tế của Người sử dụng lao động, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế, Thời báo Equal Times, Trung tâm Thống nhất, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Diễn đàn Di dân ở châu Á và Trung tâm Đào tạo Quốc tế ILO.

Giải thưởng bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 31/7 đến ngày 27/10. Các nhà báo có thể nộp tối đa 02 bài dự thi cho 2 hạng mục sau:
  • Bài viết (online hoặc báo in)
  • Sản phẩm truyền thông (Báo ảnh, audio, video)
Bài viết không được dài quá 8000 từ và video không dài quá 10 phút. Bài dự thi phải từng được xuất bản trong thời gian từ 1/1/2016 đến 27/10/2017.

Bài dự thi phải xoay quanh một trong hai chủ đề chính: (i) Các vấn đề nóng về lao động di cư (đóng góp của lao động di cư tới nước gửi lao động và nước tiếp nhận lao động, hoạt động bảo vệ quyền lao động,việc công nhận các kỹ năng, quá trình hòa nhập vào thị trường lao động của họ, bảo trợ xã hội, người lao động di cư trong các hoàn cảnh đặc biệt, điều kiện làm việc (đặc biệt là tiền lương, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, lao động di cư trong khu vực kinh tế phi chính thức, quyền tham gia công đoàn, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và tình trạng buôn bán người) hoặc (ii) Tuyển dụng lao động di cư bình đẳng (theo hướng dẫn của Nguyên tắc chung và Hướng dẫn tuyển dụng bình đẳng).

Người tị nạn, khi được tuyển dụng làm việc ở nước ngoài thì cũng được coi là lao động di cư. Bài dự thi về lao động di cư và người tị nạn (tham gia thị trường lao động ở nước ngoài) cũng được chấp nhận.

Giải thưởng

Bốn giải nhất sẽ được chọn ra theo từng mục; mỗi giải trị giá 1.000 USD. Tác phẩm đoạt giải sẽ được đăng trên website của ILO và quảng bá rộng rãi như một tác phẩm báo chí tiêu biểu.

Yêu cầu dự thi

Để tham dự cuộc thi, xin vui lòng điền vào mẫu đăng ký trực tuyến trước ngày 27/10/2017 (23:59, giờ chuẩn Trung Âu). Tác phẩm phải sử dụng một trong ba thứ tiếng: Tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha. Các bài dự thi bằng các ngôn ngữ khác cũng được chấp nhận với điều kiện người dự thi cung cấp bản dịch chính xác sử dụng một trong ba ngôn ngữ kể trên. Giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 18/12 - Ngày Người Di cư Quốc tế. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ: Labour-Migration-Media-Competition@ilo.org

Tiêu chí chấm giải

Hội đồng chấm giải bao gồm 5 giám khảo sẽ đánh giá 10 tác phẩm xuất sắc nhất từ mỗi thể loại: báo viết và báo hình/multimedia. Quyết định của ILO và các giám khảo về tất cả các vấn đề liên quan tới cuộc thi là quyết định cuối cùng và sẽ không thay đổi dưới bất kể trường hợp nào. ILO khuyến khích các tác phẩm dự thi dưới nhiều khía cạnh đa dạng khác nhau về lao động di cư và phản ánh quan điểm từ nhiều phía: lao động di cư, người sử dụng lao động, chính phủ và công đoàn.

Bên cạnh việc đảm việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về đạo đức báo chí, các bài dự thi sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

Tính sáng tạo:
  • Góp phần cải thiện nhận thức về các vấn đề lao động di cư và tình cảnh của người lao động di cư và người tị nạn, cũng như về việc làm bình đẳng cho người lao động di cư;
  • Miêu tả bức tranh cân bằng, phản ánh những quan điểm của các bên liên quan (lao động di cư, chính phủ, người sử dụng lao động và công đoàn);
  • Đưa ra giải pháp sáng tạo cho vấn đề bảo hộ lao động và thách thức của thị trường lao động; trong thời kỳ hội nhập (ví dụ như so sánh tình hình trước và sau khi đưa ra bộ luật, chính sách di trú hay thỏa thuận song phương mới,...);
  • Hỗ trợ đẩy lùi định kiến, quan điểm bài ngoại hay phân biệt đối xử trong thị trường lao động;
  • Đặc biệt đối với chủ đề đầu tiên, các bài dự thi được khuyến khích nên:
    • Miêu tả đóng góp của người lao động di cư tới sự phát triển kinh tế và xã hội của nước gửi lao động và nước đến (ví dụ, phủ trống nhu cầu lao động và kỹ năng tại các cấp, đóng góp cho tính bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, mở rộng hoạt động trao đổi kiến thức, công nghệ, kỹ năng và thương mại, và đóng góp tạo việc làm không chỉ trên phương diện là người tiêu dùng và đóng thuế mà còn là chủ doanh nghiệp siêu nhỏ);
    • Chia sẻ những câu chuyện thành công và thực hành tích cực, chỉ ra những kết quả tốt từ quản lý lao động di cư bình đẳng (ví dụ thúc đẩy các nguyên tắc chống phân biệt đối xứ và đối xử/tạo cơ hội một cách công bằng của ILO, quá trình hòa nhập thị trường lao động, ghi nhận kỹ năng, bảo vệ quyền lao động cho mọi người lao động di cư và gia đình họ);
    • Chỉ ra những thách thức của lao động di cư do thiếu việc làm bền vững như không có bảo trợ xã hội, người lao động di cư trong các hoàn cảnh đặc biệt, thiếu bảo vệ của công đoàn, người lao động di cư trong lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và tình trạng buôn bán người cũng như người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi phân biệt đối xử, phần biệt trủng tộc và bài ngọai.
  • Đối với chủ đề thứ hai, bài dự thi được khuyến khích nên:
    • Tham khảo đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới tuyển dụng lao động bình đẳng phù hợp với Sáng kiến về Tuyển dụng Bình Đẳng của ILO.
    • Phản ảnh tác động của việc tuyển dụng bình đẳng đối với điều kiện sống và làm việc của lao động di cư.
Tính chính xác:
  • Các tài liệu sử dụng nguồn tin trực tiếp;
  • Đi kèm bản dịch tiếng Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha chính xác so với bản gốc nếu một phần của bài dự thi được sử dụng ngôn ngữ khác;
Tính bảo vệ:
  • Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, nguồn thông tin và các yếu tố nhạy cảm bằng cách không đưa ra các thông tin không cần thiết mà có thể làm ảnh hưởng không tốt tới họ (bao gồm hình ảnh nhận dạng, tên và địa chỉ...)
  • Sử dụng thuật ngữ dựa trên quyền con người.
  • Bài dự thi sử dụng từ ngữ như "người nhập cư bất hợp pháp" sẽ bị loại do ngôn ngữ này được coi là thể hiện sự kỳ thì đối với lao động di cư và gia đình họ. Các nhà báo được yêu cầu sử dụng những thuật ngữ như "không đầy đủ giấy tờ hợp pháp" "lao động di cư không đầy đủ giấy tờ hợp pháp ", "tình trang không có đủ giấy tờ hợp pháp". Tham khảo các thuật ngữ của ILO để biết thêm về các thuật ngữ được Liên Hợp Quốc sử dụng.