Thông cáo báo chí

Phần lớn lao động làm công ăn lương Việt Nam trẻ tuổi, năng động và sẵn sàng di chuyển

Nhóm thanh niên trẻ tuổi và năng động là nhóm lớn nhất trong số 18 triệu lao động làm công ăn lương tại Việt Nam. Họ sẵn sàng rời quê hương, di cư nội địa để tìm kiếm công ăn việc làm. Thông tin này được đưa ra từ bản báo cáo tóm tắt mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Thông cáo báo chí | Ngày 21 tháng 7 năm 2015
HÀ NỘI – Nhóm thanh niên trẻ tuổi và năng động là nhóm lớn nhất trong số 18 triệu lao động làm công ăn lương tại Việt Nam. Họ sẵn sàng rời quê hương, di cư nội địa để tìm kiếm công ăn việc làm. Thông tin này được đưa ra từ bản báo cáo tóm tắt mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Lao động làm công ăn lương là những người có hợp đồng lao động, và thường có điều kiện làm việc và vị thế kinh tế - xã hội tốt hơn.

Trong tổng số thanh niên có việc làm trong độ tuổi từ 15 đến 24, số lao động làm công ăn lương chiếm gần một nửa (47%). Theo Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki, đó chính là “một trong những đặc điểm chủ đạo của thị trường lao động Việt Nam hiện tại". Một tỷ lệ lớn những người lao động trẻ (nhiều người trong số họ là thế hệ lao động làm công ăn lương đầu tiên) tìm được việc trong nền kinh tế chính thức vốn đang dần mở rộng, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu năng động như dệt may và điện tử.

Lao động di cư trong nước chiếm xấp xỉ 38% lao động làm công ăn lương với tỷ lệ lao động nữ (48%) rời quê hương đi làm việc cao hơn nam giới (32%).

Về tình trạng hôn nhân, cứ 10 lao động làm công ăn lương thì có bảy người đã kết hôn. Thực tế đó cho thấy tầm quan trọng của các chính sách thân thiện với gia đình, bao gồm chế độ nghỉ thai sản và khả năng sắp xếp công việc linh hoạt, nhằm thu hút và duy trì nguồn nhân tài.

Hơn 75% người lao động làm công ăn lương có kinh nghiệm dưới 10 năm ở nơi làm việc hiện tại. Điều này phần nào phản ánh độ tuổi của người lao động còn trẻ và thực tế của thị trường lao động ngày nay.

Nhiều người lao động làm công ăn lương thế hệ đầu tiên, đặc biệt là lao động di cư, bắt đầu sự nghiệp tại khu vực sản xuất xuất khẩu, nhưng sau đó, họ rời khu vực này để tự kinh doanh quy mô nhỏ hoặc trở về làm việc, đóng góp cho công việc kinh doanh của hộ gia đình, hoặc chuyển sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có mối quan hệ lao động không chính thức (không có hợp đồng lao động).

“Thực tế này của thị trường lao động cần được tính đến khi xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội trong tương lai cũng như khi cải tổ hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động," Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Việc làm trả lương trên đà gia tăng

ILO dự báo số lượng lao động làm công ăn lương sẽ đạt mức 25 triệu người, hoặc 44% tổng số lao động vào năm 2025 so với con số 18,2 triệu người hay 35% tổng số việc làm theo Điều tra Lao động Việc làm Việt Nam 2013. Năm 2005, số lượng lao động làm công ăn lương chỉ ở mức 13,5 triệu (tương đương 29% tổng số việc làm).

Khi phân theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế tạo chiếm số lượng lao động làm công ăn lương lớn nhất ở Việt Nam (29% hay 5,2 triệu lao động). Ngành xây dựng đứng thứ hai với 16%, kế tiếp là nông, lâm, thủy sản.

Nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp. Một nửa trong số họ mới tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Trong khi đó, chỉ 18% số lao động làm công ăn lương đã bắt đầu học đại học và cao hơn.

Tuy nhiên, trình độ học vấn không nhất thiết tỷ lệ thuận với trình độ kỹ năng bởi kỹ năng có thể được đào tạo thêm trong quá trình làm việc.

Khoảng một nửa lao động làm công ăn lương làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng trung bình và một phần tư làm các công việc đòi hỏi kỹ năng cao.

Ngoài việc tăng cường trình độ học vấn và kỹ năng cho lực lượng lao động, điều này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng những chính sách tiến bộ về việc làm cùng những chính sách phát triển ngành để khuyến khích các ngành có giá trị gia tăng cao, nhằm giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Trên phương diện giới, số lao động nữ làm các công việc đòi hỏi kỹ năng cao nhiều hơn so với nam giới (với tỉ lệ 1/3 ở nữ giới so với 1/5 ở nam giới).

Tình trạng mất cân bằng giới tính đáng kể cũng tồn tại trong các ngành nghề khác nhau. Trong khi số lượng phụ nữ làm việc ở các ngành như sản xuất hàng may mặc chiếm tỷ lệ áp đảo, nam giới lại tập trung trong các ngành xây dựng, thủy hải sản và nông nghiệp.

"Việc phác họa một bức chân dung toàn diện về người lao động làm công ăn lương mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam bởi điều đó sẽ giúp ích cho quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, phục vụ tốt nhất cho lực lượng lao động, đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, hỗ trợ việc tái cơ cấu và phát triển toàn diện của đất nước," Giám đốc ILO Việt Nam nhận xét.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Trần Quỳnh Hoa
Cán bộ truyền thông
Văn phòng quốc gia ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
ĐT: (84-4) 37340907 Ext.218
Fax: (84-4) 37340904
DĐ: (84) 904 409 787
Email: hoahancom@ilo.org