Từ trường học đến việc làm

Lao động trẻ châu Á đối diện tình trạng việc làm không ổn định và nhiều rủi ro

Một nghiên cứu mới của ILO về quá trình chuyển tiếp từ trường học ra thị trường lao động tại Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy phần lớn các bạn trẻ hoặc đang làm những công việc chất lượng thấp hoặc thất nghiệp.

Thông cáo báo chí | Ngày 28 tháng 8 năm 2014
BANGKOK – Gần một nửa số lao động trong độ tuổi 15 đến 29 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là những người làm việc tự do, trong khi đó hai phần ba lao động trẻ tham gia công việc được trả công mà không hề có hợp đồng chính thức đi kèm, báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết.

Theo nghiên cứu của ILO, sự chuyển tiếp sang thị trường lao động của thanh niên tại Châu Á – Thái Bình Dương, lao động trẻ khu vực này phải nhận làm những công việc phi chính thức và thiếu ổn định.

Các phát hiện chính
  • Một nửa số lao động trẻ trong khu vực đang làm công việc tự do. 
  • Tỷ lệ thất nghiệp bình quân trong thanh niên (theo khái niệm tương đối) là 14,2%. Tỷ lệ này thấp nhất là ở Campuchia (3,8%) và cao nhất ở Nepal (28,9%). 
  • Sự chênh lệch giữa trình độ học vấn và công việc trong lao động trẻ ở cả năm quốc gia đều cao, hiện có hơn một nửa số lao động trẻ ở Bangladesh, Campuchia và Nepal không đạt trình độ thỏa mãn yêu cầu công việc mà họ đang làm.
  • Ít nhất một trong bốn người trẻ tuổi đang làm việc bày tỏ nguyện vọng thay đổi công việc (ngoại trừ tại Samoa).
  • Nông nghiệp và dịch vụ là hai ngành tạo việc làm chính đối với thanh niên. Tại Bangladesh và Việt Nam, công nghiệp là ngành tạo việc làm chính cho nữ thanh niên.
  • Có quá nhiều người trẻ tuổi không được hưởng lợi trọn vẹn từ hệ thống giáo dục. Tại Campuchia và Nepal, hơn 50% số thanh niên kết thúc việc học ở cấp tiểu học hoặc thấp hơn. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 31,9%.
     

Trong khi thất nghiệp vẫn đang là mối quan ngại không nhỏ cho người trẻ tuổi trong khu vực, thì chất lượng công việc thấp thậm chí còn là một vấn đề nghiêm trọng hơn tính đến thời điểm hiện tại.
 
Trong số những người có việc làm, chỉ một số ít được hưởng hợp đồng lao động chính thức hoặc được hưởng các quyền lợi chính yếu như nghỉ phép có tiền công khi ốm đau hoặc phúc lợi xã hội.

“Tình trạng thiếu cơ hội việc làm ổn định, bên cạnh đó trình độ học vấn được nâng cao, khả năng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ hiện đại và tiếp xúc với lợi thế của những nền kinh tế phát triển, dễ khiến người trẻ cảm thấy thất vọng. Vấn đề này có thể dẫn đến bất ổn chính trị và di cư sang nước ngoài,” Sara Elder, chuyên gia về lao động trẻ của ILO, đồng thời là tác giả của báo cáo, phát biểu.

Chuyển đổi từ nhà trường sang nơi làm việc
 

Những phát hiện của báo cáo được dựa trên các khảo sát về sự chuyển đổi từ nhà trường đến nơi làm việc được thực hiện năm 2012-13 với thanh niên tại năm quốc gia (Bangladesh, Campuchia, Nepal, Samoa và Việt Nam), trong khuôn khổ Work4Youth (W4Y) của ILO - một dự án hợp tác toàn cầu giữa ILO và MasterCard Foundation.

Tỷ lệ thất nghiệp bình quân của thanh niên ở các quốc gia này là 14,2%, với con số này tại Campuchia là 3,8% và lên tới 28,9% ở Nepal. Ở cả năm quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên đều cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của nam thanh niên; tỷ lệ thất nghiệp bình quân của nữ thanh niên là 19,9%, cao hơn so với tỷ lệ 11,9% ở nam thanh niên.

Tỷ lệ người trẻ tuổi làm công việc phi chính thức ở Samoa là 67,7 phần trăm còn ở Campuchia là 98,3 phần trăm. Ngay trong lĩnh vực này, phụ nữ cũng ở vào thế bất lợi hơn. Tại cả năm quốc gia, nam giới đều có khả năng cao hơn trong việc tìm kiếm việc làm chắc chắn, ổn định, đồng thời họ lại dễ được trả công cao hơn.

Mối liên hệ giữa học vấn và việc làm


Báo cáo cũng cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa học vấn và việc làm. Một trong những điều đáng lo ngại là trình độ học vấn trong khu vực vẫn còn thấp, dù thời gian gần đây đã có sự cải thiện.
Tại Bangladesh, Campuchia và Nepal, hơn 50% người trẻ chỉ học tới cấp tiểu học hoặc thậm chí thấp hơn. Phụ nữ trẻ ở Campuchia và Nepal có xu hướng bỏ học sớm cao. Lý giải thường gặp nhất cho tình trạng này là các “nguyên nhân kinh tế”, ám việc các hộ nghèo sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng nghèo sang thế hệ tiếp theo.

Mặc dù học vấn hạn chế không phải là rào cản đối với quá trình tìm việc làm, (thực tế cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng dần theo bậc học của người xin việc), kết quả báo cáo chỉ rõ rằng đầu tư vào giáo dục đem lại sự đền đáp tích cực trong thu nhập cùng khả năng tiếp cận những công việc “tốt hơn”.

Tuy nhiên, ở cả năm quốc gia đều tồn tại một sự chênh lệch cao giữa trình độ học vấn và công việc. Hơn một nửa số lao động trẻ ở Bangladesh, Campuchia và Nepal không đạt trình độ học vấn thỏa mãn yêu cầu công việc mà họ làm. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động và cả chất lượng sản phẩm doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến cảm giác chắc chắn của cá nhân người lao động.

Song song với tình hình trên, đào tạo vượt quá nhu cầu thị trường cũng là mối lo ngại. Tại Việt Nam, gần một phần tư (23,5%) và tại Samoa, hơn một nửa (59,6%) số lao động trẻ đạt trình độ học vấn cao hơn mức công việc họ đang làm đòi hỏi. Những thanh niên này thường phải chấp nhận mức tiền lương thấp hơn khả năng, và không thể tận dụng hết tiềm năng lao động của mình.

Các khuyến nghị chính sách
 


Mục tiêu của báo cáo là hỗ trợ các chính phủ đưa vấn đề việc làm trong thanh niên làm trọng tâm trong các chương trình nghị sự quốc gia, đồng thời cung cấp thông tin phục vụ việc thiết kế và giám sát các giải pháp chính sách có hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ hơn nữa những người trẻ tuổi tìm việc làm có chất lượng, báo cáo đề xuất chính phủ tiến hành một loạt những hành động cụ thể, bao gồm việc thiết kế các chính sách kinh tế vĩ mô thúc đẩy tạo việc làm, đảm bảo tiếp cận giáo dục cho mọi người, ngăn ngừa tình trạng bỏ học sớm ở thanh niên, và củng cố hỗ trợ đối với các doanh nghiệp phi chính thức.